Bí quyết nấu cháo lòng đơn giản nhưng vô cùng thơm ngon hấp dẫn tại nhà

Cháo lòng là một món ăn dân giả nhưng vô cùng khoái khẩu đối với người dân Việt Nam. Tô cháo lòng nóng hổi ăn kèm với dĩa lòng cùng rau thơm thơm phức, với chén nước mắm tỏi ớt chua chay đã làm nức lòng bao thế hệ. Để có được món cháo lòng cần người nấu có tâm với ẩm thực, đảm bảo làm sạch bộ lòng cùng sự khéo léo trong khâu nấu nướng mới cho được tô cháo lòng ngon đúng vị. Cháo lòng đạt yêu cầu phải đạt được chất cháo bung xốp, thơm, đậm vị. Các loại nội tạng lòng heo đi kèm tươi ngon, không có mùi khó chịu. Sau đây hãy cùng Wiki Hướng Dẫn làm món cháo lòng theo 2 kiểu cháo lòng miền Bắc và cháo lòng miền Nam, bạn nhớ đọc để nấu cho gia đình mình ăn, hoặc mở quán cũng được luôn nhé!

Nấu cháo lòng chuẩn vị Bắc

Nguyên liệu

  • 1/3 bát gạo nếp
  • 1/3 bát gạo tẻ
  • 500gr xương heo
  • 1 chiếc lưỡi heo
  • 200 gram tiết heo
  • Tim, lòng, dạ dày
  • Hành lá, hành khô, mùi tàu, gừng, giá đỗ, ớt
  • Nước mắm, muối tiêu, giấm

Sơ chế nguyên liệu

  • Xương heo rửa sạch, chặt thành miếng vừa ăn. Bạn rửa sơ qua nước giấm loãng để loại bỏ mùi hôi, sau đó rửa sạch lại với nước. Cho xương heo vào nồi nước hầm cùng với hành tím, khi nước sôi thì vớt bọt để nước dùng được trong.
  • Lưỡi heo rửa sạch, cạo bỏ phần trắng, xát muối cho sạch rồi cho vào nồi luộc chung với xương.
  • Tiết lợn chia làm 2 phần, một phần dùng để nấu cháo. Phần còn lại bạn pha nước lọc, mì chính và nước mắm vào khuấy đều, để đông.
  • Đun 1 nồi nước sôi rồi thả phần tiết đông vào. Vặn lửa to để nước mau sôi, tiết mau chín. Chúng ta chỉ luộc qua tiết lợn chứ không luộc tiết lợn chín kỹ vì khi đó tiết lợn sẽ bị rỗ và nhìn không được ngon miệng.
  • Tim, gan, lòng non rửa sạch bằng giấm loãng để loại bỏ mùi hôi, sau đó đem luộc chín. Cho gừng và 2 thìa muối vào nồi nước rồi cho tim heo, lòng heo và gan vào luộc khoảng 20 phút thì tắt bếp.

Chế biến cháo lòng kiểu Bắc

  • Gạo nếp vo sạch, ngâm nước sạch trong vòng 1 tiếng thì vớt ra để ráo.
  • Cho gạo vào nước luộc xương rồi ninh nhừ.
  • Khi thấy cháo nhuyễn thì bạn bỏ tiết lợn vào đánh tan cùng với gừng băm nhỏ. Đây là bí quyết nấu cháo nhanh nhừ, sánh mịn mà không bị lợn cợn, khó ăn.
  • Khi cháo chín, bạn nêm nếm lại gia vị mắm muối cho vừa ăn.
  • Múc cháo ra tô, rắc hành lá thái nhỏ, hạt tiêu ăn kèm với rau mùi, giá đỗ và phần lòng heo trình bày ở đĩa.

Nấu cháo lòng chuẩn vị Nam

Nguyên liệu

  • 250 gram gạo tẻ
  • Gan heo, phổi, lòng già, lòng non, tim heo, dạ dày
  • Tiết heo
  • Thịt xay
  • Nấm rơm
  • Muối, tiêu hạt, bột ngọt, đường
  • Rau mùi, hành lá, giá đỗ, rau răm…

Sơ chế nguyên liệu

  • Ngâm lòng non và dạ dày heo vào nước giấm pha loãng để khử mùi tanh. Sau đó rửa sạch lại với nước và cho vào nồi luộc chín. Mẹo nhỏ khi luộc xong, bạn vớt lòng heo, dạ dày ra ngâm vào tô nước đá lạnh để không bị thâm đen và lòng heo được giòn ngon hơn.
  • Phổi, tim, gan sơ chế tương tự rồi đem đi luộc chín, vớt ra để nguội.
  • Huyết heo để vào nồi luộc chín.
  • Gạo để lên chảo rang cho ngả màu nâu vàng có mùi thơm, đổ ra dụng cụ để nguội. Sau khi nguội tiến hành vo sạch, để ráo nước.
  • Thịt xay nêm ít gia vị, vò viên nhỏ nhỏ khoảng viên bi.
  • Nấm rơm làm sạch, ngâm muối, rửa sạch cắt phần vừa ăn.
  • Chuẩn bị nồi nước sôi vừa đủ
  • Tỏi băm, hành tím băm nhỏ, hành lá cùng ngò gai, ngò rí cắt mỏng.

Chế biến cháo lòng miền Nam

  • Sau khi nước đun sôi thì bỏ phần gạo đã vo vào, nấu đến khi như hạt gạo bể đôi. Đồng thời bỏ phần thịt vò viên và phần nấm rơm vào.
  • Phần huyết heo đã luộc sẵn cắt thành từng miếng vuông hoặc chữ nhật vừa ăn, để vào nồi nấu cùng.
  • Nêm gia vị bao gồm muối, bột ngọt, ít đường.
  • Sử dụng 1 chảo sạch, đổ vào ít dầu ăn, phi tỏi và hành cho vàng, để nguội.
  • Khi hạt cháo đã bể làm 3 thì bỏ phần tỏi hành phi vào và tắt bếp.
  • Phần lòng cắt khúc vừa ăn, bày ra đĩa theo cách riêng của mỗi người, kết hợp với rau thơm vào dĩa lòng.
  • Múc cháo vào tô, cho vào thêm ít tiêu, hành ngò đã cắt mỏng. Có thể để phần lòng heo trực tiếp vào tô hoặc để riêng tùy theo sở thích.

Cháo lòng là món ăn thơm ngon bổ dưỡng, mỗi vùng miền tại Việt Nam có thể có công thức nấu khác nhau. Tuy vậy đặc điểm chung nhất vẫn là dùng lòng heo để làm món bổi chính, khác nhau một chút ở phong cách chế biến và hương vị. Bạn có thể thử chế biến cháo lòng theo các công thức khác nhau và thưởng thức nhé!

Đăng ký
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận